Nguyễn Thanh Vũ - THPT Tây Ninh Dạy học là một dạng hoạt động đặc trưng của xã hội loài người nhằm truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm xã hội mà loài người đã tích lũy được, biến chúng thành "vốn liếng", kinh nghiệm và phẩm chất, năng lực của cá nhân người học. Hoạt động dạy học bao gồm hai hoạt động liên quan với nhau, tác động qua lại với nhau:
Hai hoạt động này có chung một mục đích là làm cho người học lĩnh hội được nội dung kiến thức, đồng thời phát triển được nhân cách, năng lực của mình. Quá trình dạy học xảy ra rất phức tạp và đa dạng. Trong đó, sự phối hợp hoạt động giữa người học và người dạy có ý nghĩa quyết định. Thành tựu quan trọng nhất về tâm lý học giáo dục trong thế kỷ XX là tâm lý học phát triển của Piaget (Jean Piaget, 1896 - 1980) và tâm lý học văn hóa xã hội của Vygotsky (Lev Semyonovich Vygotsky, 1896 - 1934). Jean Piaget cho rằng tâm lý con người có cấu trúc phức tạp. Quá trình phát triển tư duy là quá trình đồng hóa (assimilation) và điều ứng (accommodation). Khi sự mất cân bằng giữa kiến thức và vốn sống với thực tế xảy ra, quá trình đồng hóa xuất hiện. Quá trình này làm nẩy sinh các cấu trúc tâm lý mới. Quá trình điều ứng điều chỉnh các cấu trúc tâm lý mới để thích ứng với sự biến đổi của môi trường. Quá trình nhận thức đạt tới đỉnh cao khi hai quá trình đồng hóa và điều ứng ở thế cân bằng. Mỗi thời kỳ trong lịch sử phát triển tư duy, con người có những cấu trúc tâm lý khác nhau. Có 4 thời kỳ quan trọng trong lịch sử phát triển tư duy của mỗi người.
Tâm lý học phát triển của Piaget tạo nên một cơ sở khá chắc chắn lý luận dạy học hiện đại: tri thức nảy sinh từ hành động. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người tương tác với môi trường, quá trình đó dẫn đến sự phát triển các cấu trúc tâm lý dẫn đến sự phát triển của tư duy. Tâm lý học văn hóa xã hội của Vygotsky được xây dựng trên 4 nguyên lý cơ bản:
Lý thuyết này cho rằng, sự tương tác xã hội làm cho tư duy và hành vi con người thay đổi một cách liên tục. Sự thay đổi đó tùy thuộc vào hoàn cảnh văn hóa, lịch sử xác định. Hoàn cảnh văn hóa xã hội cung cấp các công cụ tư duy để con người hình thành quan niệm riêng về thế giới. Có 3 con đường mà văn hóa xã hội được truyền từ người này đến người khác.
Trong tâm lý học văn hóa xã hội, vai trò của ngôn ngữ được nhấn mạnh. Ngôn ngữ là phương tiện, là công cụ quan trọng nhất để truyền thông tin, tình cảm từ người này sang người khác. Bên cạnh đó, ngôn ngữ là công cụ để tư duy vì nghĩa của từ có khả năng giúp con người khái quát hóa và phản ánh hiện thực khách quan. Ngoài ra ngôn ngữ còn được dùng để lập kế hoạch, hướng dẫn và điều khiển hành vi ở mức độ tự điều khiển dưới hình thức lời nói cá nhân. Thành phần quan trọng thứ hai trong tâm lý học văn hóa xã hội là khái niệm vùng phát triển gần. Đó là khoảng nằm giữa trình độ phát triển hiện tại và trình độ phát triển có thể đạt được. Trình độ phát triển hiện tại được xác định bằng khả năng độc lập giải quyết vấn đề. Trình độ phát triển có thể đạt được được xác định bằng khả năng giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của người khác. Người học đạt được sự hiểu biết toàn bộ kiến thức khi vượt qua vùng phát triển gần và giải quyết được các vấn đề liên quan đến kiến thức một cách độc lập. Như vậy, nhiệm vụ của người dạy không chỉ phải xác định được vùng phát triển hiện tại mà còn phải xác định được vùng phát triển có thể đạt được. Từ đó mới có thể đưa ra các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với người học. Lý thuyết cân bằng của Piaget và vùng phát triển gần của Vygotsky là các cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược và phương pháp dạy học hiện đại. Đó là chiến lược (quan niệm) dạy học lấy học sinh làm trung tâm, các phương pháp dạy học tích cực như nêu và giải quyết vấn đề, dạy học theo nhóm, dạy học theo trạm ... Bài này chủ yếu dựa vào giáo trình "Phương pháp dạy học vật lý" do thầy Nguyễn Đức Thâm chủ biên và các kiến thức tiếp thu được trong giờ phương pháp dạy học của thầy Lê Văn Giáo. Kính mong các thầy cô đồng nghiệp cho nhận xét. Mọi ý kiến xin được tiếp thu tại địa chỉ thanhvu@lytn.org. Xin trân trọng cảm ơn. |
Bài viết >